Hệ thống treo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sự êm dịu trong quá trình chuyển động của ô tô. Hệ thống treo nằm ở phần gầm của xe, do đó rất hay xảy ra hư hỏng. Vậy các dạng hư hỏng của hệ thống treo thường xảy ra là những hư hỏng nào?
1. Bộ phận dẫn hướng:
Trong sử dụng hư hỏng hoặc sai lệch kết cấu bộ phận dẫn hướng hay gặp là:
- Mòn các khớp trụ, khớp cầu.
- Biến dạng khâu: đòn giằng, bệ đỡ, bệ xoay, dầm cầu, nhíp lá.
- Sai lệch các thông số cấu trúc, các chỗ điều chỉnh, vấu giảm va, vấu tăng cứng..
Các hư hỏng này sẽ làm cho bánh xe mất quan hệ động học, động lực học đúng, gây nên mòn nhanh lốp xe, mất khả năng ổn định chuyển động, mất tính dẫn hướng của xe…
2. Bộ phận đàn hồi:
Bộ phận đàn hồi là bộ phận dễ hư hỏng do điều kiện sử dụng như:
– Giảm độ cứng: Hậu quả của nó là giảm chiều cao thân xe, tăng khả năng va đập cứng khi phanh hay tăng tốc, gây ồn, đồng thời dẫn tới tăng gia tốc dao động thân xe, làm xấu độ êm dịu khi xe đi trên nên đường xấu.
– Bó kẹt nhíp do hết mỡ bôi trơn làm tăng độ cứng: Hậu quả của việc bó cứng nhíp làm cho ô tô chuyển động trên đường xấu bị rung lắc mạnh, mất êm dịu chuyển động, tăng lực động tác dụng lên thân xe, giảm khả năng bám dính, tuổi thọ của giảm chấn trên cầu xe sẽ thấp.
– Gãy bộ phận đàn hồi do quá tải khi làm việc, hay do mỏi của vật liệu: Khi gẫy một số lá nhíp trung gian sẽ dẫn tới giảm độ cứng như đã nêu ở trên.
- Khi bị gãy các lá nhíp chính thì bộ nhíp sẽ mất vai trò của bộ phận dẫn hướng. Nếu là lò xo xoắn ốc hay thanh xoắn bị gãy sẽ dẫn tới mất tác dụng của bộ phận đàn hồi.
– Vỡ ụ tăng cứng của hệ thống treo làm mềm bộ phận đàn hồi: Tăng tài trọng tác dụng lên bộ phận đàn hồi.
- Vỡ ụ tỳ hạn chế hành trình sẽ làm tăng tải trọng tác dụng lên bộ phận đàn hồi.
- Cả hai trường hợp này đều gây nên và đập, tăng ồn trong hệ thống treo. Các tiếng ồn của hệ thống treo sẽ làm cho toàn bộ thân xe hay vỏ xe phát ra tiếng ồn lớn, làm xấu môi trường hoạt động của ôtô.
– Rơ lỏng các liên kết như quang nhíp, đai kẹp, giá độ lò xo,… : Gây nên tiếng ồn, xô lệch cầu ô tô khó điều khiển, gây nặng tay lái, tăng độ ồn khi xe hoạt động, dễ gây tai nạn giao thông.
3. Bộ phận giảm chấn:
Bộ phận giảm chấn cần thiết làm việc với lực cản hợp lý nhằm dập tắt nhanh chóng dao động thân xe. Hư hỏng của giảm chấn dẫn tới thay đổi lực cản này, tức là giảm mất khả năng dập tắt dao động của thân xe, đặc biệt gây nên giảm mạnh độ bám dính trên nền đường.
Các hư hỏng thường gặp là:
– Mòn bộ đội xy lanh, pittông: Pittông và xy lanh đóng vai trò dẫn hướng và cùng với vòng găng hay phớt làm nhiệm vụ bao kín các khoang dầu.
- Trong quá trình làm việc của giảm chấn, pittông và xy lanh dịch chuyển tương đối, gây mòn nhiều trên pittông, làm xấu khả năng dẫn hướng và bao kín. Khi đó, sự thay đổi thể tích các khoang dầu , ngoài việc dầu có thể lưu thông qua lỗ tiết lưu, còn chảy qua giữa khe hở của pittông với xy lanh, gây giảm lực cản trong cả hai hành trình nén và trả, mất dần tác dụng dập tắt nhanh dao động.
– Hở phớt bao kín và chảy dầu của giảm chấn: Hư hỏng này hay xảy ra đối với giảm chấn dạng ống, đặc biệt ở trên giảm chấn dạng ống một lớp vỏ.
- Do điều kiện bôi trơn của phớt bao kín và cần pittông hạn chế nên sự mòn là không thể tránh được sau thời gian dài sử dụng, dầu có thể chảy qua khe phớt làm mất dần tác dụng giảm chấn.
- Sự thiếu dầu ở giảm chấn hai lớp vỏ dẫn tới lọt không khí vào buồng bù giảm tính chất ổn định làm việc.
- Sự hở phớt bao kín dẫn tới đẩy hết dầu ra ngoài và giảm nhanh áp suất.
- Ngoài ra, sự hở phớt còn kéo theo bụi bẩn bên ngoài vào trong và tăng nhanh tốc độ mài mòn .
– Dầu bị biến chất sau một thời gian sử dụng: Thông thường dầu trong giảm chấn được pha các phụ gia đặc biệt để tăng tuổi thọ khi làm việc ở nhiệt độ và áp suất thay đổi, giữ được độ nhớ trong khoảng thời gian dài.
- Khi có nước hay các tạp chất hóa học lẫn vào dễ làm dầu bị biến chất. Các tính chất cơ lý thay đổi làm cho tác dụng của dầu giảm đi, mất đi khả năng giảm chấn, có khi làm bó kẹt giảm chấn.
– Kẹt van giảm chấn có thể xảy ra ở hai trạng thái: Luôn mở, luôn đóng.
- Nếu các van kẹt mở thì dẫn tới lực cản giảm chấn bị giảm nhỏ.
- Nếu các van giảm chấn kẹt đóng thì lực cản giảm chấn không được điều chỉnh, làm tăng lực cản giảm chấn.
- Sự kẹt van giảm chấn chỉ xảy ra khi dầu thiếu hay dầu bị bắn phớt bao kín bị hở.
- Các biểu hiện của hư hỏng này phụ thuộc vào các trạng thái kẹt của van hành trình hay van làm việc ở hành trình nén, van giảm tải…
– Thiếu dầu , hết dầu đều xuất phát từ các hư hỏng của phớt bao kín: Khi bị thiếu dầu hay hết dầu giảm chấn vẫn còn khả năng dịch chuyển, nhiệt phát sinh trên vỏ rất lớn. Tuy nhiên khi đó độ cứng của giảm chấn thay đổi, làm xấu chức năng của nó.
- Có nhiều trường hợp khi hết dầu có thể gây kẹt giảm chấn, cong trục.
– Đôi khi có sự quá tải trong làm việc: Cần pittông giảm chấn bị cong , gây kẹt hoàn toàn giảm chấn.
– Nát cao su các chỗ liên kết: Có thể phát hiện thông qua quan sát các đầu liên kết. Khi bị nát và khi ôtô chạy trên đường xấu gây nên va chạm mạnh, kèm theo tiếng ồn .
Các hư hỏng của giảm chấn kể trên có thể phát hiện thông qua cảm nhận về độ êm dịu chuyển động, nhiệt độ vỏ ngoài giảm chấn, sự chảy dầu hay đo trên bệ kiểm tra hệ thống treo.
4. Bánh xe:
Bánh xe có thể được coi là một phần trong hệ thống treo, các thay đổi chính trong sử dụng là: Áp suất lốp, độ mòn, mất cân bằng…
5. Thanh ổn định:
Hư hỏng của thanh ổn định chủ yếu là: Nát các gối tựa cao su, giảm độ cứng, hư hỏng các đòn liên kết. Hậu quả của các hư hỏng này cũng tương tự như của bộ phận đàn hồi, nhưng xảy ra khi ô tô nghiêng hay xe chạy trên đường có dạng “sóng ghềnh”.
- Tiếng ồn, gõ ở mọi tốc độ hay ở một vùng tốc độ nào đó. Rung động ở khu vực bánh xe hay trong thùng xe.
- Chiều cao thân xe bị giảm, thân xe bị xệ, vênh. Giảm khả năng bám dính trên đường.
- Tăng mài mòn lốp, hoặc mài mòn lốp không đều.
- Không có khả năng ổn định hướng chuyển động, lái nặng.
- Quá nóng ở vỏ giảm chấn.
- Có dầu chảy trên vỏ giảm chấn.
Thông qua các dạng hư hỏng của hệ thống treo kể trên, hy vọng các bác có thể nhận biết được tình trạng hệ thống treo trên xe của mình.