Hộp đen ô tô là thiết bị giám sát hành trình được gắn trên các loại xe ô tô với mục đích lưu trữ thông tin lộ trình của chiếc xe khi tham gia giao thông.
Hộp đen ô tô là gì?
Như chúng ta thường thấy, trong các vụ tai nạn, cơ quan điều tra luôn tìm kiếm hộp đen để kiểm tra lại tất cả dữ liệu nhằm xác định nguyên nhân xảy ra va chạm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ hộp đen là gì và tác dụng của thiết bị này như thế nào? Trong bài viết này, hoikysuotovn.com sẽ giải đáp các thắc mắc trên 1 cách chi tiết nhất.
Hộp đen ô tô còn được biết đến với tên gọi khác là hộp đen định vị GPS, là thiết bị giám sát hành trình. Đây là thiết bị được gắn trên các loại xe ô tô để lưu trữ tất cả mọi thông tin về chuyến hành trình của chiếc xe khi lưu thông trên đường.
Hộp đen ô tô được thiết kế phù hợp với từng loại phương tiện khác nhau, tuy nhiên nhìn chung nó có kích thước khá nhỏ, chỉ khoảng 4x10cm và được tích hợp gọn gàng vào động cơ xe. Thiết bị này được thiết kế vô cùng chắc chắn, trong đó vỏ hộp đen được làm bằng kim loại có khả năng chống được lực va đập mạnh cũng như chống sốc rất tốt. Đặc biệt, thiết bị này vẫn có thể bảo toàn nguyên vẹn mọi thông tin trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, kể cả khi ở nhiệt độ tăng cao đến 80°C.
Hộp đen ô tô là thiết bị giám sát hành trình, có vai trò lưu trữ thông tin lộ trình của chiếc xe
Vị trí lắp đặt của hộp đen ô tô không cố định, nó khá linh hoạt và tùy thuộc vào từng loại xe. Tuy nhiên, hộp đen ô tô phải được đặt ở vị trí hợp lý và đặc biệt không ảnh hưởng đến các thiết bị khác. Thường thì hộp đen ô tô hay được lắp đặt ở khoang lái, phía bên ghế phụ.
Hộp đen ô tô hiện nay chủ yếu có 2 loại, bao gồm loại hộp đen có dây và không dây. Tuy nhiên, loại hộp đen không dây hiện được sử dụng phổ biến hơn cả do có nhiều ưu điểm như giá cả hấp dẫn, dễ lắp đặt, thuận tiện sử dụng và khá bền. Nhưng cần lưu ý kiểm tra lượng pin thường xuyên để tránh tình trạng hết pin.
Hộp đen ô tô sẽ được kết nối với hệ thống máy chủ và được quản lý trực tuyến thông qua trung tâm giám sát SMS/GPRS/GPS. Người sử dụng xe sẽ theo dõi thiết bị này qua máy tính hoặc điện thoại thông minh. Hộp đen ô tô sẽ cập nhật và hiển thị tất cả mọi thông tin hành trình về màn hình trung tâm và người dùng sẽ dễ dàng giám sát hơn.
Cấu tạo cơ bản của hộp đen ô tô
Thông thường, hộp đen ô tô bao gồm 5 bộ phận cơ bản sau:
- Chíp định vị GPS: Chíp định vị GPS giúp xác định đúng tọa độ của phương tiện trên bản đồ vệ tinh.
- Ăng – ten GSM: Ăng ten này giúp cho quá trình truyền thông tin dữ liệu và giám sát được diễn ra liên tục.
- Bộ phận vi xử lý: Bộ phận này có vai trò thu nhận các thông tin về trạng thái của chiếc xe.
- Màn hình hiển thị và cảnh báo: Mọi thông tin về tình trạng của xe, thực trạng lưu thông trong chuyến hành trình sẽ được cập nhật lên màn hình hiển thị trong khi đó còi sẽ đưa ra cảnh báo nếu như xe di chuyển quá tốc độ.
- Bộ phận thu nhận thông tin lái xe: Đây là bộ phận nắm vai trò quan trọng của hộp đen ô tô, bao gồm đầu đọc thẻ lái và thẻ nhận dạng lái xe.
Công dụng của hộp đen ô tô
Hộp đen ô tô có tác dụng lưu trữ, giám sát mọi thông tin hành trình của xe khi tham gia giao thông, cụ thể:
- Thông tin của chiếc xe và tài xế như: biển số xe, trọng tải, giấy phép lái xe…
- Định vị vị trí của chiếc xe
- Xác định được vận tốc, quãng đường di chuyển của xe
- Hiển thị thông tin về địa điểm, vị trí dừng, đỗ xe
- Quản lý lượng tiêu thụ nhiên liệu
- Kết nối với camera giám sát để quản lý số hành khách trên xe, quản lý tài xế
Theo các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về ô tô, với những công dụng trên, hộp đen ô tô được các hãng kinh doanh vận tải đặc biệt chú trọng lắp đặt cho các phương tiện của mình để thuận tiện hơn trong việc quản lý. Và theo Nghị định số 86/2014/NĐ-CP cũng có quy định như sau:
1. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công – ten – nơ, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc hoạt động kinh doanh vận tải và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải gắn thiết bị giám sát hành trình; thiết bị giám sát hành trình phải đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt và hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.
3. Đối với những loại xe chưa được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước khi Nghị định này có hiệu lực thì việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được thực hiện theo lộ trình sau đây:
a) Trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 đối với xe taxi, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải;
b) Trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên;
c) Trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kếtừ 07 tấn đến dưới 10 tấn;
d) Trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 3,5 tấn đến dưới 07 tấn;
đ) Trước ngày 01 tháng 7 năm 2018 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn
Theo quy định, xe kinh doanh vận tải hàng hóa bắt buộc phải lắp đặt hộp đen
Xe kinh doanh vận tải không trang bị hộp đen ô tô sẽ bị xử phạt bao nhiêu?
Tại khoản 3, Điều 24, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (đối với loại xe có quy định phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định.
Ngoài ra, khoản 4, Điều 28 của NĐ 46/2016/NĐ-CP cũng quy định:
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Tổ chức hoạt động khai thác bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định;
b) Để xe ô tô không đủ điều kiện kinh doanh vận tải khách vào bến xe ô tô khách đón khách;
c) Không thực hiện việc cung cấp, cập nhật, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định;
d) Không thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký, niêm yết về: Hành trình chạy xe; điểm đầu, điểm cuối của tuyến; giá cước; giá dịch vụ; tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải;
đ) Sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (đối với hình thức kinh doanh vận tải có quy định phương tiện phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động, không đúng quy chuẩn theo quy định;
Đồng thời, theo điểm đ, Khoản 4, Điều 22 của Thông tư 10/2015/TT-BGTVT quy định: Thu hồi phù hiệu, biển hiệu 1 tháng của xe ô tô vận tải hàng hóa không cung cấp hoặc cung cấp sai lệch thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình của xe cho cơ quan quản lý có thẩm quyền.